Chi tiết truyền thuyết Tam Đa Phúc Lộc Thọ và ý nghĩa của bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ sẽ giúp bạn hiểu được vì sao Tam Đa là một trong những bộ tượng được nhiều người mong muốn sở hữu.
Là biểu tượng của sức khoẻ, may mắn cũng như tài lộc, mỗi một người khi tìm đến bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ đều gửi gắm vào đó rất nhiều hy vọng. Vậy bạn biết gì về truyền thuyết của Tam Đa? Việc chiêm bái hay trưng bày bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ mang lại lợi ích gì cho gia chủ?
Truyền thuyết Tam Đa Phúc Lộc Thọ trong văn hoá dân gian Trung Hoa
Ngày xưa, ở Trung Quốc, người ta tin rằng 3 nhân vật ông Phúc, ông Lộc và ông Thọ là có thật. 3 ông sống ở 3 triều đại khác nhau trong thời phong kiến.
Ông Phúc
Quách Tử Nghi là tên thật của ông Phúc. Ông xuất thân quý tộc, tham gia triều chính trong suốt cuộc đời, đạt đến vị trí Thừa tướng đời Đường, sở hữu ruộng đất tới hàng trăm mẫu, con cháu 5 đời đề huề. Tuy cuộc sống phú quý, vinh hoa, nhưng tính tình của ông vô cùng ngay thẳng, trong sáng. Làm người, ông giữ nhân cách quý giá. Làm quan, ông dành cả đời liêm khiết.
Ông cưới được một người vợ cùng tuổi với mình. Ở Trung Hoa, chồng cùng tuổi vợ là điều đại cát, cũng như Việt Nam, ông bà ta bảo “cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”. Chưa kể cùng tuổi thì dễ thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau, nên chuyện vợ chồng tâm đầu ý hợp là chắc chắn. Ông mất năm 83 tuổi, cùng lúc với vợ mình. Ngay khi ông thác, người vợ ra ôm lấy chồng ngẩng đầu trách trời: “Tôi và chồng cùng tuổi, cùng hưởng phúc phần, sao không được cùng nhau ra đi?”. Ngờ đâu, bà vừa dứt câu, cũng nhắm mắt xuôi tay về nơi suối vàng. Về sau con cháu hợp táng cho hai ông bà.
Ông Lộc
Đậu Tử Quân là tên thật của ông Lộc. Ông Lộc quê ở Giang Tây, Trung Quốc, là Thừa tướng nhà Tấn. Tuy nhiên, ông là tham quan: châu báu, vàng bạc, của cải ông có đều do nịnh thần, thân tộc, con cháu đút lót để mua quan, bán chức, chạy tội. Trong khi của cải chất cao thành núi, ngôi nhà của ông lại thiếu một đứa cháu đích tôn. Buồn rầu, lo nghĩ, nhiều lần thở than “Ta để Lộc lại cho ai? Chân nhang của tổ tiên và bản thân ra, ai hương khói?”, Đậu Tử Quân chết vì sinh bệnh. Ông nằm ốm rất lâu, nằm đến nát da, rữa thịt, hôi thối khiến không ai dám lại gần kể cả con cái. Thậm chí, lúc chết, ông cũng không thể nhắm mắt.
Ông Thọ
Đông Phương Sóc là tên thật của ông Thọ. Ông Thọ làm quan tới chức Thừa tướng đời Hán. Với dân, ông là “phụ mẫu” thanh liêm, không bao giờ nhận của đút lót. Nhưng với vua, ông ham thích bổng lộc, coi “chính trị” như một chuyến buôn, khó khăn nhất nên lãi lời nhất. Đông Phương Sóc quan niệm làm quan thì phải lấy lộc, không lấy lộc làm quan để chi.
Vậy Đông Phương Sóc sử dụng tiền thưởng vua ban vào việc gì? Câu trả lời là vào “phụ nữ”. Ông dùng hết lượng vàng này đến lượng bạc nọ đi mua con gái trinh và xinh về làm lẻ. Có tin đồn, gái đẹp trong phủ Đông Phương Sóc không thua số lượng và chất lượng trong cung vua bao nhiêu. Thậm chí trước khi chết, ông Thọ còn “đưa” một nàng thôn nữ “sắc nước hương trời” “về dinh” khi cô ta tròn 17 tuổi. Ông tự đắc, chính nhờ liệu pháp “lấy âm dưỡng dương” này mà ông mới sống lâu đến thế.
Ông thọ đến 125 tuổi, nhưng lúc đó con cái – cháu chắt đều đã chết hết, lo tang ma cho ông chỉ còn đứa chút 4 tuổi.
Trùng hợp là thời vua Nghiêu, giai đoạn Thượng cổ, cũng có một truyền thuyết liên quan đến 3 vấn đề Phúc, Lộc, Thọ như thế. Vua Nghiêu vốn là một vì thiên tử thương dân như con, quốc gia thái bình, thịnh trị. Mỗi khi tết đến xuân về, vua Nghiêu thường vân du thưởng ngoạn phong cảnh và xem xét, quan tâm đời sống dân chúng.
Hoàng đế đi đến đâu cũng được chúng dân nồng nhiệt tiếp đón, họ chúc tụng ông 3 điều:
- Điều 1: Chúc vua trường thọ. Vua Nghiêu từ chối.
- Điều 2: Chúc vua nhiều lộc, phú quý tràn đầy. Vua Nghiêu cũng không nhận.
- Điều 3: Chúc vua phúc ấm, sinh nhiều con trai rạng danh hoàng tộc. Vua Nghiêu cũng một mức nói tránh đi.
Sau cùng, vị vua thương dân và anh minh này mới giải thích, ông không dám nhận 3 lời chúc này cho riêng ông mà muốn gửi chúng đến cho trăm họ. Tức đa phúc, đa lộc, đa thọ, gọi tắt là “Tam Đa”.
Chính từ hai điển cố, điển tích này, mà vào dịp năm mới, người ta cầu nguyện cho bản thân và dành cho những người xung quanh lời chúc “Tam Đa”, đồng thời gửi gắm chúng vào hình tượng 3 ông Phúc, Lộc, Thọ – những vị được xem là sở hữu nhiều Phúc, nhiều Lộc, nhiều Thọ nhất. Mong ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ ban cho mình một chút Phúc, Lộc, Thọ trong cuộc sống.
Nhận diện bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ
Bộ tượng Tam Đa chuẩn gồm đủ 3 ông Phúc, Lộc, Thọ với các đặc điểm nhận diện như sau:
Ông Phúc
Ông Phúc đứng một mình hoặc có thể đứng cùng với một hay nhiều đứa trẻ vây quanh, nắm áo. Đôi khi, còn có một con dơi bay xuống người ông Phúc. Vì trong tiếng Hoa, từ dơi cũng phát âm giống từ Phúc.
Ông Lộc
Ông Lộc hay mặc áo có màu xanh lục. Dựa vào việc từ “Lộc” trong tiếng Hoa phát âm tương tự từ “lục”. Trên tay ông là chiếc liễn như ý. Và đôi khi, ông còn đứng cạnh một con hươu. Từ hươu trong tiếng Hoa cũng phát âm tựa như từ “Lộc”.
Ông Thọ
Ông Thọ thường được mô tả là một ông già râu tóc trắng phơ, trán dô cao và đầu hói nhẵn, với một trái đào tiên trên tay. Đôi khi, có một chú hạc đậu bên cạnh ông Thọ.
Lợi ích khi chiêm bái, trưng bày bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ
Từ truyền thuyết về Tam Đa và sự tích 3 ông Phúc, Lộc, Thọ, người đời nhận ra rằng cuộc sống không thể nào hoàn hảo, được này mất kia. Quách Tử Nghi viên mãn về chữ Phúc, nhưng không giàu có bậc nhất, không bách niên giai lão. Đậu Tử Quân viên mãn về chữ Lộc nhưng tông đường không có người nối dõi vì quả báo hối lộ, vơ vét. Đông Phương Sóc viên mãn về chữ Thọ nhưng chết trong cô độc sau một đời làm quan xu nịnh, cuồng mê lợi lộc. Để đời sống hạnh phúc thực sự, mỗi con người đều phải đồng thời hướng đến cả 3 khía cạnh: sức khỏe, tài lộc và phước đức. Tam Đa chính là lời khẳng định mỗi một ông Phúc, Lộc, Thọ là một sự cộng hưởng, bù trừ cho nhau khi nói đến khái niệm viên mãn trong đời sống con người.
Như vậy, việc chiêm bái, trưng bày đủ 3 vị trong bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ mang lại lợi ích sau:
- Sống lâu nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, con cháu đầy đàn, gia đình ấm êm, tuổi già không cô độc.
- Giàu có nhưng vẫn được người thương kẻ mến, vui vẻ, an nhàn, giàu cả vật chất lẫn tinh thần.
- Chỉ cần sống tốt, lợi lộc tự nhiên đến không cần phải tranh đua, “vì mình hại người”.
Chất liệu bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ hợp phong thủy
Bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ cũng tương tự các bộ tượng tâm linh khác, có thể làm từ:
- Đá quý
- Gỗ
- Gốm sứ
- Đồng
- Vàng (hoặc mạ vàng)
Tùy theo sở thích và điều kiện tài chính, bạn có thể chọn chất liệu cho bộ tượng khiến mình hài lòng. Dù vậy, trong phong thủy, bộ tượng bằng đồng nguyên chất bao giờ cũng linh nghiệm số một.
Những quy tắc khi chiêm bái, trưng bày bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ
– Ba ông Phúc, Lộc, Thọ được thờ phụng ngàn năm qua, nên có thần tính, chính là những vị thần, vị tiên thực sự. Trong chiêm bái, trưng bày phải có sự thành tâm, cung kính nhất định.
– Bộ tượng Tam Đa phải có đủ 3 ông Phúc, Lộc, Thọ, không được thừa, thiếu hoặc tách rời.
– Ông Phúc thường được tạc tượng, vẽ tranh trong tư thế bồng một bé trai trên tay là đúng theo truyền thuyết. Đó là đứa cháu nam tử ngũ đại của ông, sinh ra năm Quách Tử Nghi 83 tuổi. Mà với người Trung Hoa xưa, người phải có phúc dày, phúc lớn lắm mới sống được đến ngày đón cháu ngũ đại chào đời để phụ trách nhang khói cho tổ tiên. Đó là lý do mà ông Phúc hay ẵm cháu trên tay. Có lần đang bế cháu, ông sung sướng đứa giữa trời nói lớn: “Nhờ trời, nhờ tổ tiên, ta được như hôm nay, mong cầu chi thêm nữa”. Xong, ông cười to, rồi thác. Nhẹ nhàng rời nhân thế về cõi tiên.
– Ông Lộc chính là ông Thần Tài trong truyền thuyết.
– Hình tượng của 3 ông Tam Đa ngoài ý nghĩa cầu Phúc, Lộc, Thọ còn có giá trị răn đe, người chiêm bái, trưng bày noi theo gương của 3 ông để chọn lối sống đúng đắn.
– Có thể thờ phụng, biếu tặng bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ để cầu đạt 3 điều mà người đời mong muốn.
– Thứ tự từ trái sang phải cần phải tuân theo khi sắp đặt bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ là: ông Lộc ở giữa, ông Thọ bên trái ông Lộc, ông Phúc bên phải ông Lộc.
– Đối với vị trí an tọa bộ tượng:
- Thứ nhất phải hợp tuổi chủ nhà (để thêm may mắn, không bị tốn của hao tài, khi bị dính mắc thị phi).
- Thứ hai nếu đặt ở cửa chính thì phải nằm về một trong hai bên cửa chính, đặt đối diện cửa là tạo điều kiện để thần tiên bay ra khỏi nhà.
- Thứ ba dù đặt ở đâu mặt tượng cũng phải hướng vào phía trong (để mang phúc, lộc, thọ về cho người trong nhà). Và thứ tư, tuyệt đối không đặt trong phòng ngủ, thay vào đó là phòng khách, phòng làm việc, trên xe ô tô.
Kết luận
Như vậy, một khi đã hiểu rõ về truyền thuyết Tam Đa, bạn sẽ đánh giá được chuẩn xác giá trị của bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ này. Có thể thấy, ngày nay bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ không chỉ có ý nghĩa lớn lao trong văn hóa Trung Hoa mà còn ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ đến các nước láng giềng, chịu ảnh hưởng từ nó, như Việt Nam. Chiêm bái, trưng bày bộ tượng Tam Đa Phúc Lộc Thọ thực sự là một phương thức mang lại cho mỗi người một cuộc sống có đủ 3 điều tốt đẹp nhất: Phúc (may mắn, an lành), Lộc (tiền tài, thịnh vượng) và Thọ (tuổi tác, sức khỏe).
Nguồn: www.tuviphongthuy.vn
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.